Trước giờ chúng ta nói chuyện với nhau rất nhiều về tính mục đích, đưa mục đích vào trong mọi hoạt động, làm việc gì cũng phải có tính mục đích, vậy mà tại sao khi quyết định thực hiện Giáo dục lên 1 đứa trẻ, điều quyết định đến cuộc đời của cả 1 con người, vậy mà dường như không nhiều người trong chúng ta thực sự đặt câu hỏi và đi đến tận cùng để trả lời cho câu hỏi “mục đích giáo dục 1 đứa trẻ là gì?”.
Có phải khi thực hiện giáo dục, khi đưa con chúng ta đến trường lớp, khi dạy dỗ con ở nhà, mục đích của chúng ta là mong con chúng ta sẽ sống tốt?
Vậy cụ thể sống tốt là như thế nào?
Là kiếm được thật nhiều tiền? Thực tế cuộc sống ngoài kia bao nhiêu người có tiền, thậm chí rất nhiều tiền vẫn đầy sự sợ hãi, lo âu và lao vào công cuộc kiếm tiền mà quên đi rất nhiều giá trị khác của cuộc sống.
Là cả 1 đời an yên?Là cuộc sống cứ bình dị, êm ả mà trôi qua, mọi điều suôn sẻ và may mắn? Cả 1 đời trông chờ vào vận may để được an yên chăng? Liệu điều đó có khả thi trong 1 xã hội đầy rẫy sự bất trắc, rủi ro như hiện tại.
Là tự lo được cho bản thân mình? Tiền kiếm đủ ăn, áo mặc đủ xài, rong chơi qua tháng ngày không lo nghĩ? Sống không hoài bão, không đam mê, những con người “sống đến tuổi 72 nhưng thực tế đã chết ở tuổi 27”. Có quá lãng phí không cho 1 kiếp người?
Tôi cũng có những kỳ vọng, những mong ước khi nuôi dạy con, đâu đó cũng có những mục đích chân chính, nhưng khi soi rọi vào mục đích được đề cập trong cuốn sách tôi như được “khai sáng, khai tâm”, mới thấy cái đích kia mới đúng là cái đích thực sự mà con người cần hướng tới khi làm Giáo dục. Chỉ khi cái đích đúng đắn thì đường đi mới rõ ràng.
Và cái đích của Giáo dục đích thực đó chính là giúp cho con người ta được Trưởng Thành – Hạnh Phúc và Sống tốt.
Trưởng thành, Hạnh phúc và Sống tốt: 3 từ nghe giản dị, người ta nói suốt ngoài kia, nhưng đến bây giờ và chỉ ở đây tôi mới tiếp cận được với ý nghĩa đúng đắn nhất của chúng.
Trưởng thành đó không phải sự lớn lên về mặt thể chất, cũng không phải là sự to ra của cái đầu với dầy đặc những kiến thức, kỹ năng, mà đó phải là người nhìn ra được vấn đề của chính mình và tự giải quyết được vấn đề của chính mình. Chúng ta có thể thấy rất nhiều đứa trẻ to xác (lớn thể chất mà dày đặc các vấn đề của bản thân không thể giải quyết).
Hạnh phúc không phải thứ hạnh phúc “đựng trong 1 tà áo đẹp” hay “một mái nhà tranh” mà là sự đủ đầy, giàu có của các giá trị bền vững bên trong chính mỗi con người, là những phẩm chất tốt đẹp, là sự tự do, tự chủ, tự tại trong mọi hoàn cảnh, tình huống. Hạnh phúc có được từ những thứ bên ngoài nó mong manh và ngắn ngủi, chỉ khi cảm thấy mình thực sự giàu có với những thứ trong mình, khi đó ta mới cảm thấy hạnh phúc thực sự.
Sống tốt: sống đúng như những gì mình nhận thức, sống hiên ngang giữa đất trời mà không sợ hãi điều gì.
Chỉ hình dung thôi tôi đã thấy như trong mình căng tràn nhựa sống. Nhưng cũng chỉ 1 câu ngắn gọn mà thấy chứa đựng bao bản lĩnh lớn lao. Mấy ai trong cuộc sống này đủ dũng cảm thấy sai mà bảo là sai, thấy sai mà nhất quyết không làm. Dù cái thấy đó là sai thì cũng đã sao. Ít nhất cũng phải làm thì mới biết đúng/sai. 1 từ sống tốt mà bao chứa tất cả sức mạnh và dũng khí của cả 1 đời người.
Nhưng sống thì đúng là phải như thế chứ. Tôi nghĩ đó là mong ước sống của không ít người, quan trọng là có đủ bản lĩnh để làm hay không?
Và giáo dục 1 con người phải hướng người ta đến đỉnh cao của sự sống đích thực như thế. Đó mới là cái đích chân chính của Giáo dục. 1 cái đích tốt đẹp như thế vì lý do gì chúng ta không tiến tới?
Tầm Nhìn Giáo Dục, với tôi đó là cuốn sách có giá trị to lớn và cao đẹp, chân thực và tổng quát nhất, bao trùm toàn cảnh về bản chất của việc làm giáo dục một cách đích thực. Tôi hiểu được nguyên nhân của những lỗ hổng, những thiếu sót, những mặt hạn chế của các phương pháp, cách thức giáo dục hiện nay.
Khi đọc cuốn sách, tôi đã có thời gian ngẫm lại toàn bộ cuộc đời mình, toàn bộ những lớp học, những chương trình học, những phương pháp học, những tư tưởng giáo dục tiên tiến nhất, ưu việt nhất mà tôi đã áp dụng cho mình, cho con nhưng vẫn không giải quyết được những vấn đề tồn tại của chính mình, nguyên nhân sâu xa là do không đi từ bản chất chân thật, không đi từ gốc rễ. Cuốn sách mở ra một tầm nhìn giáo dục hoàn toàn mới mẻ, khác biệt, xuyên suốt, mang tính thời đại không phải cho riêng ai mà cho toàn nhân loại. Đó là một giải pháp tổng thể cho một nên giáo dục chân chính, đậm bản chất, đích thực, dựa trên bản chất chân thật của con người, giáo dục đi từ gốc rễ của vấn đề, giải thoát mọi khổ đau. Giáo dục Đích thực phải dựa trên bản chất chân thật, dựa trên chủ thể giáo dục. Cuốn sách như một lời thức tỉnh, thôi thúc những con người đang đau đáu đi tìm một giải pháp tổng thể với giáo dục, những người có ý thức giáo dục tự thân mạnh mẽ.
“Chưa bao giờ cảm nhận về sự Giáo dục lại thấy Giáo dục gần gũi, sâu sắc, bao trùm đến vậy” là ấn tượng rõ nét trong tôi khi đọc cuốn sách “Tầm nhìn Giáo dục”. Giáo dục diễn ra ngay trong mọi hoạt động của đời sống, có sức chuyển hóa những tầng sâu thẳm của nội tâm con người. Giáo dục giúp cho con người thấu hiểu được chính mình, được sống đời sống đàng hoàng, chân chính, hạnh phúc hơn. Giáo dục giúp cho những người khác được sống tốt hơn, ít lầm lạc hơn.
Giáo dục không phải là công việc của riêng ai, ta chưa biết cách để giáo dục người khác thì cũng cần phải học cách để tự giáo dục chính mình, tự nhìn nhận, sửa chữa, chuyển hóa, hoàn thiện những thiếu sót, sai lầm nơi mình và vun đắp, nuôi dưỡng những giá trị tốt đẹp, cao quý cho chính mình. Có lẽ bất kỳ ai cũng sẽ thấy được bóng dáng của mình trong cuốn sách.
Văn phong gần gũi cùng sự dẫn dắt khéo léo giúp tôi học thêm được nhiều những cách quan sát, cách cảm nhận mới khiến cho những nhìn nhận về con người, về đời sống nơi tôi trở nên sâu sắc hơn, rộng mở hơn.
Một cuốn sách cực kỳ quý giá với những ai thực sự nghiêm túc với Giáo dục, nghiêm túc với sự phát triển con người!
Khi có trên tay cuốn sách này, tôi thật sự thấy rằng đây là những điều giúp cho tôi, một người đang khao khát về một nền giáo dục Việt Nam thật sự tốt đẹp, và mong mỏi cách thức áp dụng cụ thể, đã có con đường phù hợp.
Tôi thấy vinh dự, may mắn khi biết về cuốn sách này.
Tôi tìm thấy trong sách góc nhìn toàn cảnh về bản chất, tình trạng, đặc điểm của Giáo Dục.
Tôi tìm thấy lộ trình giáo dục tự thân, và cho đối tượng khác trong quyển sách này.
Đồng thời, tôi lại hiểu thêm sự tương tác giữa ba trụ cột là Giới, Định, Tuệ với Giáo Dục thật hài hòa được trình bày trong sách.
Nhiều góc nhìn được mở ra trong quyển sách, ví dụ như góc nhìn tâm linh trong giáo dục, tôi cũng tìm thấy sự giải thích rõ ràng, hợp lí trong quyển sách này.
........
Tất cả làm cho tôi thấy tôi chọn con đường này thật ý nghĩa, những điều đẹp đẽ, những phẩm hạnh mà chính tôi cũng được trau dồi, hoặc tổng hợp lại dễ nhớ thông qua cuốn sách. Và đoạn cuối cùng trong sách của thầy Công viết, tôi xúc động thật sự, tôi bị hút vào thật sự, những lời đó như là lời "Hịch tướng sĩ", kêu gọi những nhân duyên, cùng đồng lòng, chung sức mà khởi tâm Từ Bi, khởi tâm Hùng mạnh, khởi tâm Trí tuệ để tạo thành dòng chảy vĩnh viễn, dòng chảy Khai Sáng, Khai Phóng.
Tôi cũng là một người mẹ nên khi đọc sách “Tầm nhìn giáo dục” tôi thấy đâu đó có chính mình trong những nỗi niềm, những trăn trở, những băn khoăn, những lo sợ về việc giáo dục một con người và cả những cung bậc, những hương vị ngọt ngào, hạnh phúc, thiêng liêng, rộng lớn của một người làm mẹ. Cuốn sách đã mang đến cho tôi sự đồng cảm sâu sắc và gợi mở những góc nhìn sáng rõ, giúp tôi tự tin và vững vàng hơn trên hành trình giáo dục chính mình và con trẻ.
Bên cạnh đó, tôi ấn tượng nhất là “Chủ thể giáo dục” được chỉ ra một cách rõ ràng, sống động với sự dẫn dắt logic và những ví dụ gần gũi, thực tế, dễ hiểu giúp người đọc có thể hình dung, mường tượng được về việc thực hành giáo dục sao cho đúng đắn, hiệu quả và lợi lạc, cũng như hạn chế được sai lầm và khổ đau.
Và điều làm tôi xúc động là những dòng cuối của cuốn sách. Đó là những lời mà tôi cảm được tâm nguyện cao đẹp của Tác giả: “... cho bất cứ ai muốn được Tăng trưởng thì đều được Tăng trưởng, muốn đạt được Hạnh phúc thì đều đạt được Hạnh phúc!”. Trong tôi như được tiếp thêm sức mạnh, thêm động lực để quyết tâm và dũng cảm bước tiếp trên hành trình gian khó nhưng cũng đầy vị ngon ngọt mà tôi đã chọn.
Với tôi, “Tầm nhìn giáo dục” là một cuốn sách hay và quý! Đó cũng là món quà ý nghĩa và giá trị dành cho mỗi con người!
Sau khi đọc cuốn Tầm Nhìn Giáo Dục, tôi cảm thấy mình thật may mắn vì đã được đọc một cuốn sách tuyệt vời như vậy. Không rõ vì sự trùng hợp, hay bởi vì chân lý thì chỉ có một, và tôi là người tìm kiếm chân lý nên nhiều lúc tôi cứ nghĩ rằng cuốn sách này được tác giả viết tặng cho riêng tôi chứ không phải một ai khác. Những nội dung, văn phong, cách trình bày, lập luận, ví dụ đều rất phù hợp với tôi. Có lẽ, nếu tôi là người chấp bút thì tôi cũng sẽ viết gần giống như chị Phạm Hồng Nhung.
Trong quá trình đọc sách, tôi đã đi qua nhiều cảm xúc khác nhau. Có lúc tôi thấy vui mừng, phấn khởi vì có người cũng nghĩ giống mình, cũng đề cao những giá trị mình đề cao, đau đáu câu hỏi mà mình trăn trở. Có lúc lại thấy bất ngờ và thán phục vì tác giả đã trả lời rõ ràng, dễ hiểu và tự nhiên một số câu hỏi mà tôi vẫn băn khoăn. Đặc biệt, nhiều lúc tôi bị chững lại, không tiếp tục đọc được vì những điều trong sách viết gợi lại những lần tôi đã sai lầm trong cách tiếp cận, quan tâm và cố gắng sửa đổi những người xung quanh, cách tôi đối xử với chính mình. Nhiều cảm xúc, tiếc nuối, ân hận nổi lên.
Tuy về độ dài thì sách cũng không quá nhiều, 202 trang tương đương với một truyện dài hay một tiểu luận, nhưng trí tuệ chứa đựng trong sách thật lớn lao vô cùng. Tôi đã hiểu thêm được rất nhiều điều quý giá nhưng cũng còn vô số những trí tuệ khác sách đề cập mà tôi chưa đủ khả năng và trải nghiệm để cảm nhận được, nên đành tạm gác những phần đó qua một bên và hi vọng sau này nhờ sự tăng trưởng trên con đường tu tập tôi sẽ ngày càng lãnh hội thêm nhiều điều quý giá hơn từ sách.
Từ nhỏ tôi đã thường tự hỏi bản thân về những câu hỏi: tôi là ai? tại sao tôi lại đến thế giới này? tại sao mỗi người lại có những suy nghĩ khác nhau quá nhiều về cùng một vấn đề như thế?, điều gì là quan trọng?, ý nghĩa của cuộc sống này là gì v.v… Có một câu chuyện như sau: chuyện xảy ra đã lâu, tôi không nhớ khi đó mình bao nhiêu tuổi, có lẽ tầm 7 hay 8 gì đó. Tôi đến chơi với cậu em họ (bằng tuổi tôi) ở nhà của cậu ấy. Hôm ấy bố của cậu đi làm về mệt và ngủ trên gác. Lát sau, có đôi vợ chồng bạn thân của gia đình sang chơi, mẹ cậu ngồi tiếp hai người bạn đó. Khi họ hỏi bố cậu đâu, mẹ cậu nói dối rằng bố cậu vẫn đi làm chưa về. Lời nói dối đó không ác ý, cô ấy chỉ muốn chồng được ngủ ngon và hai bạn không phật ý. Nhưng cậu em họ tôi, với sự thật thà của trẻ nhỏ, đã nói ngay “bố cháu về lâu rồi, đang ngủ trên gác”. Sau khi khách ra về, cậu em họ tôi đã bị mắng là “ngu” vì đã nói “thật” như vậy. Vào lứa tuổi đó, chúng tôi luôn được cha mẹ và thầy cô dạy là phải trung thực, không được nói dối. Tội nói dối là một tội rất nặng và sẽ đi kèm những hình phạt nghiêm khắc. Nhưng nếu nói thật cũng bị mắng thì biết làm thế nào? Từ đó tôi đã mất đi niềm tin vào những người lớn vẫn dạy bảo mình. Tôi không còn biết nên làm gì, không nên làm gì? Thế nào là đúng là sai nên muốn làm một việc gì cũng đắn đo suy tính quá nhiều.
Một cách tự nhiên, bản thân tôi luôn muốn chia sẻ, trao đi những giá trị mà tôi cho là đúng đắn, quan trọng cho những người xung quanh. Tôi đề cao sự chân thành, dũng cảm và thương yêu. Trong cuộc sống bình thường, những người gần gũi ít nhiều nhận được điều này từ tôi. Nhưng với những người tôi cảm thấy họ thiếu thốn những giá trị này một cách ghê gớm, tôi khởi tâm muốn trao cho họ nhiều hơn nhưng không có phương tiện. Không giống như sản phẩm vật chất, phẩm tính hay các giá trị tinh thần không có một phương tiện cụ thể rõ ràng để chia sẻ. Những lúc ấy tôi cảm thấy bất lực, nên phần nào tôi đồng cảm với cảm giác của chị Nhung “... tôi hay cảm thấy nhức nhối vì những mảnh đời bất hạnh: người vô gia cư, người nghèo khó, người khuyết tật, những kẻ trộm cắp, những con người lầm lạc, và những trẻ em mồ côi/khuyết tật/lang thang… Nhưng khi ấy, tôi lại chẳng có phương tiện để giúp đỡ họ. Chính vì thế mà nỗi thương xót lại trở thành thứ bóp nghẹt trái tim tôi.”
Điểm khác biệt ở đây giữa sự bất lực của tôi với chị Nhung trong đoạn trích này, đó là chị Nhung thương xót những người có sự thiếu thốn cùng cực. Còn với tôi, đương nhiên tôi cũng thương xót những người này chứ, nhưng còn đau lòng hơn nữa, tôi chứng kiến những người vật chất đủ đầy, tinh thần phong phú nhưng vẫn không sao thấy hạnh phúc. Họ vẫn khổ sở. Họ vẫn phải tìm cái này, kiếm cái nọ, làm ra sản phẩm này, đạt được những thành tựu khác. Nhưng khi đạt được rồi họ lại chán nản và tìm kiếm cái gì đó khác hơn, mới hơn, lạ hơn. Một cái gì đó không có thật, không ở đây, không trong lúc này, nhưng phải có. Thực ra, trước khi nói người phải nghĩ đến mình, bản thân tôi cũng còn như vậy nữa là.
Trong thần thoại Hy Lạp có chuyện kể về một vị vua tên là Sisyphe, một người nổi tiếng mưu mẹo và xảo quyệt, độc ác, vơ vét của cải nhiều không xuể nhưng lại luôn tỏ ra mình là người đạo cao đức trọng, coi thường tiền bạc. Ông ta lừa dối người đời rồi lại lừa dối thần linh. Khi chết, ông ta phải chịu một hình phạt khủng khiếp dưới Âm phủ: ngày ngày phải vần, lăn một tảng đá khổng lồ từ dưới đất lên đỉnh một ngọn núi cao dựng đứng. Nhưng khi đã qua bao khổ ải để đẩy được tảng đá lên thì nó ngay lập tức trượt khỏi đỉnh núi nhọn hoắt và lao xuống chân núi. Thế là sự khổ ải lại tiếp diễn.
Tôi thấy thật là nhiều Sisyphe trong cuộc sống này. Ngay cả bản thân mình, tôi cũng có ít nhiều như thế. Cứ chạy, chạy, mải miết theo một cái gì đó mà chẳng ai biết nó là gì, nhưng nó rất thật, rất thúc bách, rất đè nén. Phải thỏa mãn cho kì được nó, chưa thỏa mãn được thì sống không nổi, chết không xong. Nhưng thỏa mãn xong rồi thì chỉ còn lại một sự trống rỗng, vô nghĩa. Nhờ đọc sách Tầm Nhìn Giáo Dục, tôi đã biết đó là Dục và Dục vọng. Trước đây ở nơi này nơi khác tôi đã được biết về Dục, nhưng thật sự cách giải thích, minh họa về Dục và Dục vọng trong sách Tầm Nhìn Giáo Dục mới thật dễ hiểu, rõ ràng.
Thường thường, khi không có vấn đề gì thực sự lớn, tôi có thể cảm nhận được hạnh phúc. Một cảm giác đủ đầy, không cần thêm gì nữa, không cần bớt gì nữa, thế là đủ rồi, thế là tốt rồi, cứ thế này mãi là được. Vào những lúc như thế, tôi gần như không cần gì khác, chỉ cứ thế mà “sống” thôi. Làm những việc bình thường, đọc một cuốn sách, nghe một bản nhạc, tự trò chuyện với bản thân, ngắm nhìn mọi vật v.v… Phải chăng đó là trạng thái của những vĩ nhân mà sách Tầm Nhìn Giáo Dục đã nhắc tới “đó là trạng thái không còn ngóng vọng về một điều gì khác ngoài thứ mà mình đang có được hoặc mình đang tạo tác”. Tuy không phải lúc nào cũng được như vậy, nhưng so với đa số những người quen biết thì tôi đạt được trạng thái “hạnh phúc” đó nhiều hơn. Và tôi muốn cho đi sự hạnh phúc đó, tôi muốn những người xung quanh tôi cũng hạnh phúc.
Nhưng việc này thật khó khăn. Khi tôi nói về vẻ đẹp trong những sự đơn giản, bình thường, trong nghệ thuật, văn chương và thi ca, thì không mấy ai hiểu được. Cũng có thể họ cũng thấy những điều đó đẹp đẽ, nhưng chưa đủ. Họ thật sự vẫn phải đi tìm một cái gì đó, đi làm một việc gì đó. Điều này cũng gây khó khăn rất nhiều cho tôi trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Tôi thật sự không cảm thấy trong thế gian này có nhiều việc thật sự cần làm, nên làm và đáng làm. Trong khi cả xã hội và nền kinh tế đang điên cuồng để làm ra hết cái này đến thứ nọ. Tôi bối rối vì tôi không muốn lao vào sự đảo điên đó, nhưng nếu không thì biết làm gì bây giờ? Tôi vẫn phải kiếm sống, phải chăm lo cho những người thân. Mộng mơ và lý tưởng hơn thì tôi còn muốn giúp người, cứu đời nữa. Thế tôi biết làm công việc gì trong một thế giới điên rồ mà vẫn không bị điên rồ theo? “Hạnh phúc” có mài ra ăn được không? Suy tư có có ra tiền không? Tôi cứ trở đi trở lại giữa những câu hỏi rất thực dụng như thế với cái điều đẹp đẽ mà mình hướng tới.
Khi 2 chiếc bình có nhánh thông với nhau, nước ở bình chứa nhiều nước sẽ chảy vào bình có ít nước cho đến khi 2 mực nước bằng nhau. Nước từ trên cao sẽ chảy về chỗ trũng. Người có nhiều hạnh phúc sẽ muốn trao hạnh phúc cho người có ít. Đấy là luật tự nhiên. Nếu tôi chỉ hạnh phúc một mình mà những người xung quanh đau khổ thì có ý nghĩa gì? Họ sẽ rút cạn hạnh phúc của tôi.
Tôi cũng đã tin rằng có một thứ hạnh phúc miên viễn, không bao giờ bị mất đi, nhưng đó là một hành trình dài để đạt được nó: “Hạnh phúc đích thực là sự giàu có, đủ đầy, trọn vẹn các trạng thái tinh thần cao quý và đẹp đẽ, bất kể ta đang sống trong hoàn cảnh xã hội nào”. Nhưng ngay cả với cảm giác đủ đầy chưa bền vững và có điều kiện, tôi cũng chẳng biết làm thế nào để chia sẻ với những người có hoàn cảnh tương tự mình. Chứ nói chi đến hạnh phúc đích thực.
Giờ đây, khi đã đọc sách, tôi hiểu rằng nguyên nhân của tất cả là ở Dục và Dục vọng. Nếu Giáo hóa được Tính dục thì tôi có thể đem lại hạnh phúc cho chính mình và cho mọi người. Đúng vậy, điều quan trọng nhất, đáng làm nhất để làm trên thế gian này là Giáo dục. Nhưng tôi có thể làm Giáo dục được không? Tôi tốt nghiệp Kỹ sư ngành Công nghệ thông tin chứ không phải Sư phạm, Tâm lý, Công tác xã hội v.v… Bất cứ một ngành Xã hội nào, dù là trình độ Sơ cấp cũng có vẻ liên quan đến việc Giáo dục hơn ngành tôi đã học. Hơn nữa, tôi cũng là một người chưa hoàn thiện, tôi không phải vĩ nhân, thánh nhân, cao nhân, chân nhân v.v… Tôi là tôi, một người không có tên tuổi gì trong xã hội, bằng cấp không đúng chuyên ngành. Ai sẽ để tôi làm Giáo dục? Nếu có ai đó cho phép, tôi cũng chưa chắc đã dám làm. Máy móc hỏng có thể sửa, không sửa được có thể bỏ đi làm cái mới. Giáo dục không đúng thì con người hỏng, mà con người hỏng thì rất khó sửa, rất tai hại, rất đau đớn. Tôi thấy trách nhiệm này lớn lao quá. Bởi tôi vẫn cho “rằng một chiếc thước thẳng thì mới có thể dùng làm căn cứ cho những đường thẳng, rằng một cái khuôn chính xác thì mới có thể đúc lên những vật chính xác…”.
Nhưng không phải như vậy. Con người tương liên và phụ thuộc lẫn nhau: “nguyên tắc ấy chỉ đúng cho những vật vô tri, còn sai hoàn toàn so với những thực thể sống. Những thực thể sống, chúng sống và chúng thành tựu thông qua chính quá trình sống của chúng”, “bộ não không đợi hoàn thiện chính nó rồi mới điều khiển cơ thể, trái tim không đợi hoàn thiện chính nó rồi mới bơm máu cho các bộ phận khác”. Phải! Nếu tôi đã muốn làm Giáo dục và có thể được phép làm, tôi sẽ cố gắng hết sức để làm. Những gì chưa biết tôi có thể học, những gì chưa quen sau thời gian sẽ thành quen. Quan trọng là tôi thật sự muốn làm và làm hết khả năng. Biết bao người khác đang mượn danh làm Giáo dục nhưng thực ra lại làm những việc khác, những mục đích và mưu toan khác. Người thực tâm muốn làm Giáo dục đích thực mà không dấn thân làm thì chẳng những sẽ không bao giờ có sự đích thực trong Giáo dục, mà những thứ vô minh, xấu xa sẽ ngày càng tràn ngập. Một ngọn nến nhỏ bé cũng thắp sáng cả căn phòng rộng lớn, nhưng nơi nào không có ánh sáng thì bóng tối lập tức bao trùm.
Nguyện trở thành một ánh nến nhỏ góp phần tỏa ra ánh sáng Giáo dục!
Dịch Covid khiến cho tất cả mọi thứ bị đình trệ lại, có người thất nghiệp, có người phải làm việc tại nhà, học sinh, sinh viên thì không được đến trường được và rất nhiều hệ lụy xảy ra… Chính vì thế mà chúng ta đã có thêm nhiều thời gian dành cho gia đình, cho những đứa trẻ. Nhưng chắc hẳn nhiều bố mẹ đã chán ngấy cảnh những đứa con nghịch ngợm, quậy phá, không nghe lời mình và chỉ muốn cho chúng đi học, để có người trông hộ, dạy dỗ thay vì muốn chúng vào nề nếp mà không cần phải tốn sức quát mắng.
Nhiều phụ huynh cho rằng giáo dục là những gì diễn ra ở trường lớp, sách vở mà không biết rằng giáo dục luôn diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Giáo dục có ở mọi nơi, mọi tương tác trong cuộc sống hàng ngày chứ không chỉ dừng lại trên ghế nhà trường.
“Những người làm cha, làm mẹ dù vẫn lặng lẽ tự giáo dục mình và giáo dục con qua những diễn biến nội tâm ấy, nhưng họ lại không nhận ra sự giáo dục chân thật đang được diễn ra. Họ tưởng rằng Giáo dục là những gì diễn ra ở trường lớp, trong những bài giảng… hoặc cho rằng đó là trách nhiệm của thầy cô và nhà trường.“ ( Trích sách Tầm nhìn giáo dục )
Thật vậy, giáo dục có ở mọi tương tác trong cuộc sống hàng ngày. Hôm nay khi đưa một đứa bé xuống cầu thang, tôi đã suy nghĩ ngay trong đầu rằng mình cần bế nó xuống cho nhanh, nếu không nó sẽ ngã mất. Khi suy nghĩ đó nảy ra tôi đã thấy rằng mình đang vọng tưởng, vẽ ra những viễn cảnh không có thật, mà không nghĩ rằng đứa bé đã có thể tự xuống cầu thang được. Sau đó tôi đã để đứa bé tự đi, hướng dẫn nó cách xuống ra sao, bám vào cầu thang và bước từng bước một như thế nào… Ban đầu đứa trẻ còn sợ sệt, vừa đi vừa nhìn tôi nhưng sau đó khi được khích lệ và chỉ bảo đứa bé đã có thể tự đi được mà không cần tôi dắt hay bế cả. Thông qua đó, đứa trẻ đã có thể hình thành kỹ năng xuống cầu thang, có thể tự lập và dũng cảm bước đi một mình. Không những thế còn là rèn luyện sự tập trung, cẩn thận để tránh bị ngã.
Chúng ta luôn tưởng tượng ra những lo sợ, những viễn cảnh sẽ có thể xảy ra mà thu hẹp mình lại, làm mọi việc cho nhanh gọn mà không nghĩ đến những đứa trẻ cũng cần có nhu cầu tự lập ngay từ khi còn nhỏ. Và giáo dục luôn diễn ra theo những cách như thế, luôn hiện hữu ngay trong cuộc sống hàng ngày mà ít ai để ý và quan tâm tới mà chỉ cho rằng giáo dục là ở trên sách vở, trường lớp.
Còn vô số những tương tác trong ngày mà chúng ta cần đặt tâm, quan sát để giáo dục con cái từ những thứ nhỏ nhất, để trao cho đứa trẻ những tinh thần, giá trị mà không ỷ lại vào nhà trường và hiểu sai về giáo dục.
“TẦM NHÌN GIÁO DỤC - MỘT MÓN QUÀ VĨ ĐẠI”
Cầm trên tay quyển Tầm nhìn giáo dục, bên trong tôi như được vỡ òa. Giáo dục đích thực là ở đây, con đường chân chính để mình bước tiếp là đây.
Tôi sinh ra trong gia đình thuần nông. Bố đi bộ đội 10 năm, sau giải ngũ rồi về quê hương sinh sống. Bố mẹ tôi quanh năm suốt tháng với đồng ruộng. Do di chứng chiến tranh, bố tôi không có nhiều khả năng lao động, nên mọi việc đổ dồn lên vai mẹ tôi. Những năm tôi còn nhỏ, gia đình vô cùng khó khăn, bố mẹ và hai chị nhà tôi chỉ tập trung vào đi làm để lo cho gia đình, còn tôi nhỏ xíu nên chỉ tha thẩn quanh nhà tự chơi
Đến tuổi tôi đi học, cũng như bao gia đình ở quê khác, bố mẹ tôi đặt trọn niềm tin vào nhà trường – nơi cứu cánh để tôi trở thành con người đoàng hoàng, tử tế, có sự an yên và an ổn. Bố mẹ tôi ít khi can thiệp vào học của tôi, để tôi tự làm. Từ những ngày bé, bố tôi đã nói với tôi rằng: “Việc học là của con, không ai thay con học được hết vì vậy mà con tự quyết định nhé”, điều đấy, như một tuyên bố vững chắc, từ nhỏ tôi đã có tính tự. Nhưng môi trường học tập ở nhà trường có tính cạnh tranh cao, nên tôi buộc phải lao theo. Được điểm cao sẽ được mọi người quý trọng, yêu mến và nói cái gì cũng đúng. Thấy được những điều đó, tôi lao đầu vào học. Hầu như tôi luôn đứng top 5 trong lớp, cũng vì thế, mà tôi cũng tin rằng, tôi là một đứa tài giỏi, thông minh, đa tài, tôi ngang ngược, chẳng xem ai ra gì. Điều này cứ được diễn ra cho đến khi tôi hết cấp 2.
Bắt đầu khi bước vào cấp 3, đại học rồi những lúc đi làm, tôi bắt đầu đặt cho mình câu hỏi nhiều hơn. Mình học để làm gì, rồi cái học đấy có tác dụng gì cho cuộc sống này. Tôi cũng trải qua một vài kiểu sống khác nhau: ăn chay, ăn thực dưỡng, ăn mặn, rồi sống tối giản, sống xanh. Sau tất cả, tôi mong muốn tìm cho mình một điều gì đó chân thật từ chính con người mình. Với khát khao đó, tất cả những gì tôi học được, tôi trải nghiệm được, tôi sẵn sàng chia sẻ, cho người khác mọi lúc mọi nơi, để với mong muốn họ cũng như tôi. Nhưng rồi, tôi nhận ra rằng, có những điều đúng với tôi, nhưng chẳng đúng với người khác. Cách thức này là phù hợp với tôi, nhưng với người khác thì không phù hợp. Và tôi cũng nhận ra rằng, những thứ tôi đã làm chỉ đúng với tôi ở một vài thời điểm.
Vậy thực sự cái gốc của giáo dục là gì?
Khi tôi đọc đến đoạn: “Hoạt động giáo dục là hoạt động tạo tác lên con người, vì thế sự giáo dục phải đi từ nền tảng gốc rễ là thấu hiểu về bản chất Chân thật của con người”. Chúng ta có thể bắt gặp xu hướng giáo dục hướng tới một vài đặc tính nào đó của con người, như: Tình yêu thương, sự Tôn trọng, Lòng bao dung hay sức Khai phá… Nhưng đứng từ trên nền tảng gốc rễ sẽ thấy con người còn có vô số những đặc tính và năng lực khác nữa. Vì vậy, nếu sự giáo dục không đi gốc rễ, mà chỉ tạo tác thiên lệnh trên một khía cạnh phẩm chất hay một vài năng lực của con người thì quả là thiếu sót. Nếu những phẩm tính kia có đạt được, thì phẩm tính ấy cũng không hề sâu sắc và lâu bền bởi cái nguồn gốc của những phẩm tính ấy đã không biết để mà vun bồi, để mà giữ gìn”
Tôi chiêm nghiệm lại mình và tôi thấy rằng, từ lúc tôi được sinh ra, lớn lên, học tập, làm việc, tôi chỉ đang lấy những hình thái đó làm mục tiêu để phát triển mình: học tốt để có giá trị, đi làm để có thể tự lập, thay đổi các hình thái sống để kiếm tìm sự tự do, an toàn và an tâm. Thông qua mỗi cách thức đó, tôi có sự nhiệt thành, cố gắng, kiên trì, mạnh mẽ, quyết liệt và những điều này giúp phần nào vượt qua những trở ngại, khó khăn và thách thức trong cuộc sống. Nhưng tôi làm mãi những thứ đó mà không biết rằng mình còn nhiều thứ khác để mở rộng: đồng cảm, rộng mở, cởi mở, linh hoạt. Và rồi khi tôi chưa thực sự hiểu bản chất của tôi là gì, khi chưa thực sự thấu triệt về mình, mà lấy cái cách thức kia trao cho người khác thì chỉ là tạm bợ và manh mún. Khi nói đến Bản Chất là những thứ nền tảng không thể thay đổi, theo thời gian, không gian. Vậy bản chất con người là gì? Là thân thể của ta, là tài sản vật chất của ta, là tri thức ta đang có, hay bố mẹ, vợ chồng, con cái ta. Bản Chất chân thật của con người là gì sẽ được hé mở trong chương 2: Chủ thể và phương tiện của giáo dục. Rồi khi biết bản chất chân thật của con người, thì mình mình thực hành với mình như thế nào? Mình thực hành đến con cái mình, đến những người xung quanh ra sao. Kết quả giáo dục sẽ có thể quan sát ngay chính đời sống của mình, trong các hoạt động với mình và những người xung quanh, chứ không cần đợi đến khi kết thúc một tiết học, một kỳ thi, một sự vượt cấp hay sắp hết đời người.
Trong suốt một năm tôi được gọi là giáo viên và đồng hành cùng bạn học sinh cấp 3, tôi luôn đau đáu trong mình, đâu mới là những thứ các bạn học sinh cần, đâu mới là giải pháp tốt nhất cho các bạn ấy. Tôi cần trang bị cho mình điều gì, sau khi tôi rời đi, các bạn ấy rời khỏi lớp của tôi, rời khỏi ngôi trường này, các bạn ấy sẽ có gì để vững vàng bước tiếp. Tôi mong muốn đi tìm một triết lý giáo dục, một chân giá trị giáo dục nào đó. Tôi nhớ có lần tôi đã chia sẻ điều này trong cuộc họp nội bộ. Có một chị bảo tôi rằng: Trên thế giới, người ta đã viết rồi, mình tìm làm gì nữa, lấy đó mà áp dụng thôi. Nhưng tôi không thấy đúng lắm, vì rõ ràng, những phương pháp tôi đang áp dụng, ngay cả bản thân cũng không hiểu được chúng, khi đi dạy nhiều vấn đề được nảy sinh, lấy mỗi phương pháp một, để thực hành trong sự chắp ghép, thiếu đi sự linh hoạt và rồi cái đích cuối cùng là gì thì vẫn chưa trả lời được. “Chúng ta có thể đã nghe qua hay tìm hiểu về rất nhiều giáo dục, nhất là trong thời đại hội nhập như ngày nay. Trước sự du nhập, giao thoa của các nền văn hóa, các phương pháp giáo dục từ khắp nơi trên thế giới ào ạt đổ về, mà nếu không thể phân định được, ta sẽ không thể biết đâu mới là cách giáo dục đúng đắn. Vì thế không phân định được, ta bèn lấy ở mỗi phương pháp một phần mà mình cảm thấy tâm đắc, nên góc nhìn về Giáo dục của đa số chúng ta chỉ là sự chắp ghép, nên góc nhìn về Giáo dục của đa số chúng ta chỉ là sự chắp ghép, gá víu của những tư tưởng vụn vặn, chẳng phải là sự giáo dục chân thật”. Kết thúc đoạn này, tôi mới vỡ lẽ ra rằng, hóa ra tôi là thợ dạy, đi học lại rồi nói lại, cho học sinh bắt chước theo. Rồi các bạn tích thêm những kiến thức, những sự ảo tưởng. Vì chưa có sự phân định, các bạn sẽ dễ tin, thực hành rồi lại càng chìm vào trong một sự hỗn độn, hoang mang.
“Giáo dục là gì? Nó có chỉ đang dừng lại ở những phương pháp, kỹ năng hay kiến thức?
“Giảm thiểu bất bình đẳng trong giáo dục như thế nào”
“Giáo dục có phải chỉ dừng lại ở lớp, ở trường”
“Giáo dục đang diễn ra trong đời sống này như thế nào? Mình tự thực hành giáo dục lên mình ra sao”
“Tầm Nhìn Giáo Dục” giúp tôi phá bỏ rất nhiều những góc nhìn hạn hẹp về Dục; về Giáo Dục; về mục đích hướng đến của Giáo Dục; về sự phủ khắp của Giáo Dục trong đời sống.
- Thay vì cho rằng mong muốn giúp con tốt lên là đang giáo dục con thì nhìn ra chính mong muốn đó cũng là Dục.
- Thay vì cho rằng Giáo Dục phải là người đang làm nghề giáo, là giáo viên, … thì nhìn ra bất cứ ai đang nỗ lực tìm cầu và nỗ lực thúc đẩy bản thân tốt hơn mỗi ngày cũng là người đang làm Giáo Dục; bất cứ ai đang đau đáu về sự trưởng thành của bất kỳ đối tượng nào đều là những người đang đau đáu về Giáo Dục.
- Thay vì cho rằng mục đích của Giáo Dục hướng con người đến một công việc ổn định, thu nhập cao, có quyền lực, có danh vị… thì nhìn ra khuynh hướng ẩn sau mỗi mong muốn đó là mong muốn được trở nên tự chủ hơn, tự tại hơn, hạnh phúc hơn, trí tuệ hơn.
- Thay vì cho rằng Giáo Dục chỉ là những hoạt động diễn ra ở những tổ chức giáo dục như trường học thì nhìn ra bất cứ hoạt động nào trong đời sống đều có thể trở thành hoạt động Giáo Dục.
“Tầm Nhìn Giáo Dục” giúp tôi có góc nhìn đồng nhất khi Giáo Dục con cũng là quá trình đang tự giáo dục chính mình; Quá trình giáo dục con cũng phải đồng nhất với quá trình phát triển, hoàn thiện bản thân.
“Tầm Nhìn Giáo Dục” như một tấm bản đồ chỉ dẫn cho người thực hành giáo dục những tầm nhìn, cách thức thực hành Giáo Dục rất ngắn gọn mà sâu sắc, súc tích.
“Tầm Nhìn Giáo Dục” như một cuốn sổ tay giúp người thực hành giáo dục dễ dàng tìm lại những chỉ dẫn, gợi ý trong quá trình thực hành Giáo dục.
“Tầm Nhìn Giáo Dục” như một cuốn kinh điển, từng câu chữ, từng đoạn chỉ dẫn cần rất nhiều tâm lực đổ ra để quan sát, thực hành, chiêm nghiệm. Khi bạn đang đau đáu Giáo dục con, đang có nhiều băn khoăn khi làm Giáo Dục – cuốn sách như một kho báu giúp bạn giải đáp những băn khoăn, khúc mắc trong quá trình thực hành Giáo dục.
"Tầm nhìn giáo dục" một cuốn sách cho tôi thấy một tầm nhìn sâu xa, đẹp đẽ, nhân văn và cao thượng "Cái đích thực sự của Giáo dục chính là giúp con người trở nên Trưởng trành, có cuộc sống Hạnh phúc, biết Tự nhận thức về một cuộc sống Chân chính và có bản lĩnh để sống đúng theo nhận thức của mình".
Tôi không những tìm thấy ở cuốn sách về bản chất của giáo dục mà còn thấy được cả chủ thể và phương tiện của giáo dục. Và, rất nhiều điều liên quan đến giáo dục mà từ trước nay tôi chưa hề thấy được ở cuốn sách nào chỉ ra một cách sâu sắc, logic, khoa học như vậy.
Khi đọc cuốn sách tôi thấy toát lên ở đó một bậc trí tuệ, đại hùng, đại bi. Người đã đau đáu, ấp ủ, và tiên phong khai phóng con người thông qua giáo dục trong thời đại này. Cuốn sách chỉ ra con đường làm giáo dục chân chính, giáo dục đích thực.
Tôi ấn tượng với câu viết "Sự giáo dục của chúng ta là sự dẫn dắt, định hướng dành cho trẻ, phần nào đó giúp trẻ biết cách trở thành một người trưởng thành". Điều tưởng chừng như đơn giản, dễ dàng với người làm giáo dục. Thế nhưng, những người làm giáo dục hiện nay có đang đi đúng hướng, có đang dùng phương tiện là Trí Tuệ, Phẩm hạnh, Bản lĩnh để dẫn dắt, định hướng cho trẻ. Hay đa phần sự giáo dục hiện nay chúng ta là sự áp cái Dục hạn hẹp của mình để Giáo Dục trẻ.
Tôi còn thấy được tầm quan trọng của việc Giới, Định, Tuệ để áp dụng vào việc giáo dục mà cuốn sách chỉ ra đó là ba trụ cột trong tương tác giáo dục. Nay qua cuốn sách tôi được mở ra một tầm nhìn về giáo dục, một tầm nhìn rộng mở, chân chính, và vô cùng giá trị cho chính mình và cho mọi người.
Cuốn sách không quá dày với 224 trang, tuy nhiên, những câu từ, những lời văn trong đó súc tích, cô đọng có tính logic, tính khoa học, chặt chẽ và hết sức gần gũi trong cuộc sống. Tôi đọc cuốn sách giống như đang uống một ly nước mát, nó như một dòng chảy, cuốn sách có sức lôi cuốn, thu hút người đọc từ câu này đến câu kia, từ đoạn trước sang đoạn sau, từ chương này sang chương khác.
Còn gì giá trị hơn khi qua cuốn sách mà ta có thể thấy được ở đó cả giá trị, lợi lạc của cả người làm giáo dục, thực hành giáo dục và người được giáo dục một cách rõ ràng, sáng tỏ như cuốn sách đã chỉ ra. Tôi thấy cuốn sách thật ý nghĩa với tôi và tôi tin rằng nó cũng sẽ ý nghĩa với những ai đang quan tâm đến giáo dục hay sự phát triển chân thật của chính mình và các thế hệ mai sau.
Trên hành trình nuôi dạy hai đứa con, có những lúc tôi thực sự cảm thấy bất lực. Tôi kiệt sức, mệt mỏi và tức giận khi vừa phải xử lý công việc, vừa phải đối mặt với những trận cãi vã, tranh giành và đấu tố giữa các con; tôi cũng không còn đủ kiên nhẫn và buông xuôi trước đòi hỏi ngày một leo thang của chúng... Cho tới khi tôi ngồi lại và quan sát, cảm nhận được sự bất ổn ngày một lớn trong cách dạy con của mình. Nếu tôi không giải quyết được những bất ổn đó, thì con tôi sẽ lớn lên thành những con người đầy sân hận, ích kỷ, tham lam, không bản lĩnh, thiếu vắng lòng thương và sự cảm thông...
Tôi tìm đủ những phương cách: cần mẫn ngồi nghe những clip, đọc những cuốn sách về nuôi dạy con. Tôi loay hoay trong chằng chịt những cách thức khác nhau, tự hỏi rằng đâu mới là cách đúng đắn nhất, để các con tôi trưởng thành và có thể sống một cuộc đời hạnh phúc, đẹp đẽ. Tại sao cùng một cách thức, tôi áp dụng cho đứa này thì ổn, mà đứa kia thì không? Tại sao cùng cách thức đó, cùng đứa trẻ đó, mà lúc thì hiệu quả, lúc lại không? Tại sao việc giải thích cặn kẽ lúc trước thì con nghe răm rắp, mà giờ con lại dùng những lý luận đó để cãi lại mỗi khi tôi nói? Nói không được, tức quá có lúc tôi đã đánh con, nhưng đến tận 3, 4 năm sau cái đánh đó, con vẫn nhớ như in từng hành động, từng lời nói khi đó. Liệu tôi có để lại vết tổn thương nào trong tim con hay không?
Thế rồi, trên con đường tìm kiếm đó, tôi được đọc cuốn sách "Tầm nhìn Giáo dục" của thầy Trần Thế Công. Tôi nghiền ngẫm những kiến thức, những góc nhìn mà cuốn sách đem tới. Cuốn sách lý giải về căn nguyên của những xung đột và đau khổ của con người, bao hàm trong đó là những đau khổ mà cả các bậc phụ huynh và con cái phải chịu đựng do sự nhầm lẫn giữa mục đích và phương tiện giáo dục. Vậy thì, để những đứa trẻ và cả các bậc phụ huynh có thể vượt qua xung đột và đau khổ để đạt được hạnh phúc thực sự, ta phải làm thế nào? Không có con đường nào khác ngoài việc Tự giáo dục và Giáo dục, giáo dục một cách đích thực, không chỉ trong khuôn khổ trường lớp, không chỉ trong phạm vi kiến thức và kỹ năng, mà là sự giáo dục được diễn ra trong mọi hoạt động sống của con người. Cuốn sách vạch ra một tầm nhìn rộng lớn, bao trùm với lộ trình và giải pháp giáo dục tổng thể, nhằm một mục tiêu lớn lao: đưa con người – bao gồm cả người giáo dục và người được giáo dục – thoát khỏi khổ đau và đạt được hạnh phúc chân thật.
Trong bối cảnh xã hội ngày nay, nơi hầu hết con người đặt vật chất, danh vọng và hưởng thụ làm mục tiêu sống, thì những góc nhìn mà cuốn sách mang lại thực sự sâu sắc và khác biệt. Nó mang tới cho tôi niềm hi vọng, rằng cuối cùng mình cũng đã tìm thấy một con đường, con đường đúng đắn nhất, vững chắc cho bản thân, cho các con tôi, gia đình tôi, thậm chí là cho cả những người xung quanh tôi.
Xuyên suốt hành trình làm giáo dục, nỗ lực thực hành không ngừng nghỉ rất nhiều phương pháp, hội hợp chúng trong một tầm nhìn rộng lớn phù hợp với thời đại, thực hành thực chứng có thấy sự tăng trưởng, thấy sự lợi lạc, nhưng không thấy sự trọn vẹn, đủ đầy, sáng suốt thông tỏ vì trước đây không đặt mục đích và phương tiện của giáo dục là Trí Tuệ Phẩm Hạnh Bản Lĩnh, không chủ động vận hành phật tánh, đa số bị dục chi phối. Thay vì tập trung toàn bộ để phát triển nội lưc bên trong của chính mình, tôi lại thường có xu hướng theo đuổi những hình mẫu, những tiêu chuẩn, những công trình khoa học…, hoặc là những kinh nghiệm thiếu sự quán xét sâu rộng, do vậy không thấy được sự tăng trưởng và thành tựu vững bền.
Cuốn sách cung cấp một bức tranh tổng thể về con đường làm giáo dục, với các công cụ thực hành, thực chứng để tự mình thực thấy, thay vi tin tưởng vào những lý thuyết, kiến thức bên ngoài, do đó giúp người thực hành từng bước tăng trưởng vững chắc, do vậy không cần phải tin tưởng vào một ai khác khi chính bản thân người thực hành đã thực chứng được chính nó, đã vận hành được chủ thể, đã từng bước chiến thắng được dục.
Cuốn sách như một bản thiết kế mới đẹp đẽ, đầy đủ & thực tế, giúp người đọc, người thực hành giáo dục có hình dung về một nền giáo dục mới, nơi mà hoạt động giáo dục thấm nhuần trong đời sống.Tầm Nhìn Giáo Dục - 1 trong những cuốn sách quan trong nhất trong cuộc đời - giúp một người trưởng thành định hướng quy hoạch cuộc đời mình để tìm ra một lối sống xứng đáng nhất, cao đẹp nhất, phù hợp nhất hướng đến cái đích chân thật trong thời đại này và mãi về sau.